P2P (peer-to-peer) là nền tảng giao dịch tiền mã hóa hàng đầu thế giới mà ở đó vai trò giữa các người dùng là như nhau. Nhà đầu tư có thể mua và bán các đồng tiền mã hóa phổ biến tại Binance P2P. Việc giao dịch được diễn ra giữa hàng triệu nhà đầu tư trên thế giới với hơn 150 phương thức thanh toán khác nhau.
Chính vì sự phát triển mạnh mẽ và kết nối đa dạng đó, P2P được xem là địa chỉ béo bở của những đối tượng xấu thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng lợi dụng sự cả tin, ít kinh nghiệm của các nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường. Thậm chí cả những nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm, nếu không đủ tỉnh táo vẫn hoàn toàn có thể biến thành con mồi trước những chiêu trò tinh vi của chúng.
Bài viết dưới đây giới thiệu các trường hợp lừa đảo phổ biến.
Làm giả biên lai chuyển tiền
Kẻ lừa đảo trong trường hợp này là người mua coin từ các nhà đầu tư. Hắn sẽ đánh dấu “đã thanh toán” và gửi kèm một biên lai giao dịch giả sau khi lệnh được khớp. Đó có thể là biên lai của ngân hàng hoặc ví điện tử được chỉnh sửa thông tin khớp với các giao dịch đã thỏa thuận trước đó.
Sau đó, kẻ lừa đảo sẽ thuyết phục nhà đầu tư đã chuyển tiền thành công và yêu cầu mở khóa với nhiều lý do thuyết phục: tiền đã được chuyển đi chắc chắn sẽ đến tài khoản, sẽ nhận được tiền ngay sau khi bấm nút xác nhận. Nếu nhà đầu tư sơ ý không kiểm tra tài khoản và nhấn xác nhận để giải phóng tài sản, kẻ lừa đảo đã chiếm được tiền và sẽ chuyển đến một ví khác hoặc bán tài sản đi ngay lập tức.
Để ngăn chặn trường hợp này xảy ra, nhà đầu tư cần kiểm tra số dư tài khoản ngân hàng thường xuyên. Khi hệ thống ngân hàng chưa nhận được tiền, tuyệt đối không giải phóng tài sản.
Nếu nhận phải một biên lai chuyển tiền đáng ngờ (thông tin sai, format không giống chuẩn, hình ảnh không rõ ràng…) thì khả năng cao đó là một biên lai lừa đảo. Khi nhận được biên lai kiểu này và tài khoản không ghi nhận số dư thì hãy ngay lập tức bấm khiếu nại để bộ phận Hỗ trợ khách hàng Binance P2P can thiệp.
Chuyển thiếu nhiều tiền
Tương tự như thủ đoạn trên, kẻ lừa đảo cũng đóng vai trò là khách hàng mua tiền mã hóa từ nhà đầu tư thông qua giao dịch P2P. Đối tượng sẽ đặt một lệnh mua từ quảng cáo với một số tiền nhất định, sau đó chỉ thanh toán một lượng nhỏ tiền cho nhà đầu tư.
Ví dụ, kẻ lừa đảo đã đặt một lệnh mua với số tiền 29,999,999 VND, nhưng hắn chỉ thanh toán 29,999 VND cho người bán.
Khi nhà đầu tư sơ hở không check kỹ tài khoản ngân hàng khi nhận được thông báo biến động số dư, nghĩ rằng mình đã nhận được đủ tiền và giải phóng tài sản sẽ khiến kẻ lừa đảo đạt được mục đích của mình. Để tránh điều đáng tiếc xảy ra, nhà đầu tư cần kiểm tra thật kỹ tài khoản ngân hàng của mình, vì số tiền giao dịch và số tiền chuyển khoản trông có vẻ giống nhau. Nếu gặp trường hợp giống như minh họa ở trên, hãy ngay lập tức bấm khiếu nại để bộ phận Hỗ trợ khách hàng Binance P2P can thiệp.
Giả mạo tài khoản hỗ trợ khách hàng (CS) của Binance trên Zalo và chiếm quyền truy cập tài khoản của người dùng.
Đây là một thủ đoạn tinh vi hơn khi kẻ lừa đảo có mục đích chiếm quyền kiểm soát tài khoản Binance của nhà đầu tư và chuyển hết tài sản sang một ví khác hoặc bán trên Binance P2P. Đối tượng thường sẽ giả mạo là nhân viên của Binance hoặc giả mạo tổng đài Hỗ trợ khách hàng bằng cách dùng số điện thoại quốc tế gọi cho nạn nhân, đề xuất kết bạn trên Zalo hoặc Viber và đề nghị được hỗ trợ giải quyết các vấn đề khiếu nại.
Sau đó, kẻ lừa đảo sẽ chat với nhận nhân, thuyết phục họ bỏ khiếu nại và đồng ý xác nhận giải phóng tài sản đối với các giao dịch P2P đang chờ tranh chấp. Lý do thuyết phục được hắn đưa ra là tiền sẽ được chuyển vào tài khoản ngay sau khi nhà đầu tư giải phóng tài sản.
Trường hợp khác, kẻ lừa đảo sẽ đề xuất reset lại tài khoản Binance và yêu cầu nạn nhân đăng xuất khỏi tài khoản, quét mã QR và cung cấp mã xác minh.
Nếu nhẹ dạ cả tin, nhà đầu tư sẽ bị lừa đảo chiếm quyền truy cập tài khoản Binance của mình. Lúc này, tài sản của nạn nhân sẽ bị kẻ lừa đảo rút về ví khác hoặc bán trên P2P. Chính vì mức độ nguy hiểm của chiêu trò này, nhà đầu tư cần lưu ý không bao giờ cung cấp hoặc quét bất kỳ mã QR nào không phải được cung cấp trên website chính thức hoặc ứng dụng chính thức của Binance, đặc biệt là qua các nền tảng mạng xã hội.
Kể cả với nhân viên của Binance, nhà đầu tư cũng tuyệt đối không cung cấp mã xác minh tài khoản. Các mã này được gửi riêng cho người dùng để xác nhận giao dịch và thực hiện các thao tác quan trọng và chỉ có người dùng được biết các mã này.
Giả mạo hệ thống thanh toán tự động của Binance
Trong trường hợp này, kẻ lừa đảo là người mua và cố gắng thuyết phục người bán giải phóng tài sản trước khi họ nhận được thanh toán. Đối tượng sẽ giả mạo Binance hoặc một hệ thống thanh toán tự động nào đó và gửi tin nhắn cho người bán rằng họ phải giải phóng tài sản thì mới nhận được khoản thanh toán.
Thực tế thì trong P2P, Binance không có kênh thanh toán tự động, mọi giao dịch đều là peer-to-peer, giữa người mua và người bán.
Trường hợp khác, kẻ lừa đảo tự nhận họ là một hệ thống giao dịch tự động và thuyết phục người bán giải phóng tài sản và tiền sẽ được thanh toán tự động từ dịch vụ ký quỹ.
Thông thường, các lừa đảo kiểu này thường được thực hiện bởi các kẻ lừa đảo quốc tế, nội dung thường không đáng tin nên hầu hết nhà đầu tư sẽ không tiến hành giao dịch. Tuy nhiên, không phải những kẻ lừa đảo này không bao giờ thành công, nếu những nhà đầu tư ít kinh nghiệm tin rằng thông báo trên thật sự được gửi từ bộ phận CS của Binance và làm theo hướng dẫn mà không kiểm tra tài khoản ngân hàng trước. Một khi những kẻ lừa đảo đạt được mục tiêu, xác suất để nhà đầu tư khóa kịp tài sản của mình sẽ gần như bằng 0. Lý do là khi nạn nhân nhận ra hoặc thông báo bị lừa, đối tượng đã rút hết tài sản về các ví ngoài sàn.
Chính vì thế, trong bất cứ trường hợp nào, nhà đầu tư cũng cần phải kiểm tra tài khoản ngân hàng để xác nhận thanh toán từ người mua rồi mới ấn giải phóng tài sản. Tương tự như những trường hợp bên trên, khi bị hối thúc giải phóng tài sản mà chưa nhận được thanh toán, thêm vào đó người mua liên tục cam kết rằng tiền sẽ đổ về tài khoản ngay sau khi mở khóa tiền mã hóa, hãy ngay lập tức khiếu nại để được nhân viên CS hỗ trợ.
Lừa đảo liên quan đến các nền tảng thanh toán quốc tế
Paypal và Skrill là các nền tảng thanh toán phổ biến trên thế giới, được nhiều người Việt sinh sống ở nước ngoài sử dụng để thanh toán quốc tế. Chính vì tính tiện dụng và độ phủ sóng rộng khắp, các đối tượng lừa đảo cũng lựa chọn nền tảng này làm phương thức thanh toán khi thực hiện hành vi lừa đảo giao dịch P2P.
Với hình thức này, kẻ lừa đảo sẽ đóng vai trò là người mua tiền mã hóa và làm giả email xác nhận thanh toán và gửi hóa đơn thanh toán giả này đến email của nạn nhân để xác nhận đã thanh toán và tiền đang được chuyển đến tài khoản đích.
Trong ví dụ trên, phương thức thanh toán được sử dụng là Skrill. Kẻ lừa đảo đã tạo một email mạo danh nền tảng này và soạn một nội dung thông báo đã chuyển tiền thành công từ email mạo danh trên gửi cho nạn nhân. Mục đích chính là đánh lừa nạn nhân rằng họ đã được thanh toán và yêu cầu mở khóa tiền mã hóa. Trên thực tế, nếu quan sát kỹ tên miền của email này, nhà đầu tư có thể dễ dàng nhận ra đây không phải tài khoản email chính thức của Skrill, đây là một gmail thông thường mà bất cứ ai cũng có thể tạo được miễn phí.
Tương tự như các trường hợp trên, nhà đầu tư sẽ mất tài sản nếu xác nhận mở khóa tiền mã hóa của mình vì tin rằng tiền đã có trong tài khoản của nền tảng thanh toán. Đến khi nhận ra bị lừa và báo cáo thì khả năng cao tài sản đã bị rút về các ví ở ngoài Binance.
Để bảo vệ tài sản của mình, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ phương thức thanh toán, mẫu email và địa chỉ email xác nhận. Các nội dung thông báo từ những nền tảng này đều được gửi đi từ những email chính thức (có tên miền của công ty) chứ không phải từ tên miền của bất kỳ nền tảng miễn phí nào khác.
Nhà đầu tư tuyệt đối không được giải phóng tiền mã hóa của mình khi chưa nhận được tiền trên các nền tảng thanh toán quốc tế. Nếu gặp bất cứ vấn đề gì, nhà đầu tư cần bình tĩnh, yêu cần thêm thời gian từ đối tác và liên hệ trực tiếp với bộ phận hỗ trợ của các nền tảng này để được giúp đỡ.
Nếu thực sự đây là các email thanh toán giả mạo, nhà đầu tư cần ngay lập tức thông báo đến bộ phận CS của Binance để được kiểm chứng lại và hủy giao dịch nếu cần thiết.
Nếu nhà đầu tư nhận được tiền thanh toán từ bên thứ ba, tức là thông tin người chuyển tiền không khớp với thông tin người giao dịch, hãy ngay lập tức yêu cầu hoàn tiền và hủy giao dịch. Đây là biện pháp giúp nhà đầu tư hạn chế được rủi ro bị các nền tảng thanh toán quốc tế này truy thu số tiền.
Nếu nhận được email khiếu nại về khoản tiền nhận được trên các nền tảng thanh toán quốc tế, nhà đầu tư cần sớm cung cấp các bằng chứng liên quan đến giao dịch, tránh việc phản hồi quá thời gian cho phép.
Để có giao dịch an toàn nhất khi giao dịch trên thị trường quốc tế (USD/EUR), nhà đầu tư nên tìm đến các thương nhân P2P uy tín hay các đối tác có lượng giao dịch và tỷ lệ hoàn thành giao dịch cao (>90%)
Kết luận
Thị trường tiền điện tử ngày càng phát triển và hình thức giao dịch peer-to-peer xuất hiện được xem là biện pháp hiệu quả giúp tối ưu hóa giao dịch giữa người mua và người bán. Đây là cơ hội tốt để những kẻ lừa đảo thực hiện những chiêu trò tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư mới với ít kinh nghiệm giao dịch. Để hạn chế tối đa các rủi ro mất tiền do lừa đảo, bài viết này đã liệt kê các trường hợp lừa đảo phổ biến trong giao dịch P2P và đưa ra một số lời khuyên cho các nhà đầu tư như sau:
- Nâng cao cảnh giác với các Quảng cáo giao dịch bất thường, ví dụ Quảng cáo mua có mức giá cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường rất nhiều;
- Cảnh giác với các người dùng chưa từng có giao dịch thành công, hoặc tỷ lệ hoàn thành giao dịch rất thấp;
- Tìm đến các thương nhân uy tín (người dùng có tick vàng bên cạnh nickname) để có dịch vụ tốt nhất;
- Nếu là người bán, hãy luôn kiểm tra tài khoản ngân hàng để chắc chắn rằng đã nhận được đầy đủ tiền trước khi giải phóng tài sản;
- Tuyệt đối không giao tiếp với những người tự nhận là nhân viên hay bộ phận hỗ trợ của Binance trên mạng xã hội (kể cả các mạng xã hội uy tín);
- Hiện tại Binance không có tổng đài hay hotline hỗ trợ người dùng mà chỉ giao tiếp trên website và ứng dụng chính thức, vì vậy tuyệt đối không làm việc với các trường hợp gọi điện giới thiệu là nhân viên Binance và đề nghị giúp đỡ.
Nếu chưa có tài khoản Binance, bạn có thể xem hướng dẫn đăng ký Binance và cách nhận giảm giá 20% phí giao dịch trọn đời.